Kiều nữ Lê Diệp Kiều Trang: Start-up cần trung thực với nhà đầu tư

Từ kinh nghiệm điều hành tại nhiều start-up tên tuổi, Lê Diệp Kiều Trang, Tổng giám đốc Go-Viet cho rằng, tinh thần ham học hỏi, khiêm tốn, đặc biệt là sự trung thực với nhà đầu tư sẽ giúp các start-up gọi vốn thành công.

Lê Diệp Kiều Trang, Tổng giám đốc Go-Viet

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiếu minh bạch sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại rót vốn

Lê Diệp Kiều Trang là một trong những gương mặt thành công nổi bật trong giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam và thung lũng Silicon. Cô cùng chồng là Sonny Vũ sáng lập Misfit Wearables – công ty sáng tạo những phụ kiện y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động, sau đó bán lại cho Fossil Group với giá 260 triệu USD vào năm 2015.

Sau khi bán Misfit Wearables, Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam, sau đó đảm nhận vị trí đại diện Facebook tại Việt Nam. Mới đây nhất, tháng 4/2019, Kiều Trang trở thành tân Tổng giám đốc Go-Viet.

Tại một sự kiện do Startup Grind Vietnam (chuỗi chương trình tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu với sự hợp tác và hỗ trợ của Google for Entrepreneu) tổ chức gần đây, Lê Diệp Kiều Trang đã có những chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam về gọi vốn đầu tư.

Kiều Trang đánh giá, môi trường start-up ở Việt Nam còn sơ khai, phong trào khởi nghiệp vài năm trước có sự chững lại vì thiếu tính minh bạch, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc gọi vốn đầu tư.

Theo Kiều Trang, việc thiếu minh bạch của start-up chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn. Vì vậy, để gọi vốn thành công, các start-up cần trung thực với chính mình và nhà đầu tư, dù ý tưởng và sản phẩm có thể còn những điểm hạn chế. Chỉ khi start-up trung thực về ý tưởng, sản phẩm, quản trị, thị trường, tình hình kinh doanh… thì nhà đầu tư mới có thể đánh giá đúng năng lực, nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của start-up để tư vấn, hỗ trợ, định hướng cho start-up phát triển.

“Không có gì sai nếu hôm nay bạn chỉ mới có bấy nhiêu ý tưởng. Quan trọng là tinh thần học hỏi và chứng minh được triển vọng lâu dài”, Kiều Trang nói. Nữ Tổng giám đốc GoViet cũng nhấn mạnh, một trong những điều cần thiết với tất cả các start-up là sự khiêm tốn, trung thực và tinh thần học hỏi, chính những điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các công ty.

Hãy đầu tư vào yếu tố con người

Kiều Trang cũng lưu ý, trước khi gọi vốn, các start-up nên tập trung phát triển công nghệ và yếu tố con người.

Về công nghệ, một số công ty khởi nghiệp chọn những mô hình đã thành công trên thế giới rồi về áp dụng tại Việt Nam. “Việc đó không sai và không có gì đáng xấu hổ. Trong trường hợp này, các bạn phải đầu tư vào yếu tố con người. Thay vì cố chứng minh ý tưởng của mình khác biệt so với thế giới, hãy chứng minh bạn có thể làm tốt hơn những người khác có cùng ý tưởng”, nữ doanh nhân nhấn mạnh và khuyên các start-up Việt nên tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám lớn.

Nhận định về triển vọng của những start-up phát triển dựa trên Internet, bà Trang cho rằng, mảng kinh doanh này tại Đông Nam Á sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư, nhờ tiềm năng từ thị trường có quy mô dân số gần 800 triệu dân, trong đó đa phần là dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone cao, giá data rẻ…

Bà Trang cho biết, 3 năm gần đây, đặc biệt năm 2018, nguồn vốn đổ vào Indonesia rất nhiều, nhờ đó, quốc gia này đã tạo ra được nhiều kỳ lân (start-up có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) như Go-Jek, Traveloka, Tokopedia. “Khả năng hút vốn của Indonesia đặt ra câu hỏi không chỉ cho doanh nghiệp, mà cho cả những nhà làm chính sách”, bà Trang nói.

Tân Tổng giám đốc Go-Viet cũng cho rằng, sau Indonesia, Việt Nam, với hơn 97 triệu dân cùng nhiều kỹ sư giỏi, sẽ có cơ hội hơn so với các nước khác trong khu vực như Phillipines, Thái Lan… để phát triển trong các lĩnh vực liên quan đến Internet.

Related Post