Đối với một doanh nghiệp khi bắt đầu kinh doanh, đâu là yếu tố quan trọng nhất, chiến lược marketing hay chiến lược xây dựng thương hiệu? Sự cạnh tranh khốc liệt trên môi trường Internet khiến cho bài toán xây dựng thương hiệu càng trở nên khó khăn hơn. Hướng đi nào cho các startup?
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) – ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát sóng số thứ 3 với chủ đề “Chiến lược xây dựng thương hiệu cho Startup”, 2 khách mời là ông Nguyễn Trường Giang và ông Lê Đăng Khương đã có những chia sẻ thẳng thắn cũng như kinh nghiệm bổ ích cho người xem.
Ông Nguyễn Trường Giang (áo đen, bên trái) và ông Lê Đăng Khương (bên phải)
Xây dựng và phát triển thương hiệu là một hành động rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, điều này nếu thành công sẽ đánh giá vị trí của doanh nghiệp trên thương trường. Nhưng hiện tại, có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc không phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp chính là đã tự loại bỏ mình khỏi cuộc đua của thị trường.
Thương hiệu chính là sự cảm nhận của khách hàng về một sản phẩm, dịch vụ, một công ty. Sự cảm nhận ấy sẽ phát triển theo thời gian, vì vậy những sản phẩm, dịch vụ hay một công ty chưa được biết đến thì chưa thể được gọi là thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu là quá trình làm cho tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ trở nên phổ biến và nổi tiếng hơn. Khi đó, thương hiệu sẽ được nhiều khách hàng biết đến hơn và có được dấu ấn trong lòng khách hàng thông qua các yếu tố như: hình ảnh thương hiệu, truyền thông thương hiệu, nhân viên,…
Bản chất của việc xây dựng thương hiệu là phát sinh giao dịch nào đó giữa khách hàng với doanh nghiệp, khách hàng nhận được giá trị từ sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Đặc biệt đối với startup thì trải nghiệm là quan trọng nhất, lựa chọn một vài sản phẩm để thử nghiệm trước. Thương hiệu hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo, kế hoạch truyền thông,.. nhưng quan trọng nhất vẫn là giá trị trao cho khách hàng.
Xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu cần có từng giai đoạn cụ thể như sau: Xác định đối tượng truyền thông; Xác định các thông điệp truyền đi; Thời điểm quảng bá thương hiệu, Lựa chọn phương tiện truyền thông; Dự tính chi phí thực hiện. Doanh nghiệp cần giám sát và đánh giá hiệu quả của việc phát triển thương hiệu một cách nghiêm túc. Cần xây dựng các công cụ và chỉ số giám sát, đo lường độ phủ sóng, giá trị thương hiệu qua từng giai đoạn để có sự đầu tư hợp lý.
Trong mọi hình thức kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu là công việc cần nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Để kinh doanh phát triển, thương hiệu chính là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp doanh nghiệp có thể đương đầu với các thử thách trong hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Trường Giang và ông Lê Đăng Khương chia sẻ cùng khán giả
Chiến lược thương hiệu được tạo ra để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của thương hiệu. Chiến lược không phải là một sự đảm bảo hoàn toàn, nó chỉ là con đường để một thương hiệu bước đi trên hành trình tìm đến thành công sau cùng. Chính vì thế để tạo ra thêm nhiều cơ hội cho bản thân thương hiệu, làm tăng khả năng thành công của mọi chiến lược thương hiệu bất kì, thì cần có sự tham gia của nhiều chiến thuật thương hiệu khác nhau.
Mối tương quan giữa chiến thuật và chiến lược thương hiệu, cũng giống như trường hợp của tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu mà Vũ từng đề cập trong nhiều bài chia sẻ trước đây. Nếu tầm nhìn thể hiện mục tiêu và những định hướng dài hạn của thương hiệu, thì sứ mệnh sẽ trả lời câu hỏi rằng thương hiệu sẽ làm gì để hiện thực hoá chúng.
Đối với một doanh nghiệp startup phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố để xác định có nên thực hiện song song giữa chiến lược thương hiệu và chiến lược marketing tổng thể. Bản chất của việc xây dựng thương hiệu là xây dựng tính cách của người chủ. Tùy theo định hướng của doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch phân bổ ngân sách, nhân sự cho từng mảng sao cho phù hợp.
Sai lầm mà startup gặp phải khi xây dựng thương hiệu đó là không tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm. Họ không tập trung tạo ra sự khác biệt của sản phẩm đối với thị trường, phó thác hoàn toàn cho công ty truyền thông. Bản thân startup ít vốn, ít kinh nghiệm nhưng lại không tập trung vào phát triển giá trị sản phẩm khiến cho việc kinh doanh càng trở nên khó khăn. Một số startup vẫn luẩn quẩn trong vòng lặp “ thành lập – gặp khó khăn – phá sản” bởi họ lặp đi lặp lại một lỗi là không biết mình làm gì, không quan tâm đến giá trị mình đem lại cho khách hàng, không tập trung nghiên cứu thị trường mà tập trung quá nhiều vấn đề “bỏ ra từng này tiền thì thu về được bao nhiêu”, không có tầm nhìn dẫn đến gặp những thất bại trong quá trình khởi nghiệp.
Cả ông Nguyễn Trường Giang và Lê Đăng Khương đều có những cái nhìn tổng quan và sâu sắc về việc xây dựng chiến lược thương hiệu của các startup và giúp các startup thấy được đâu là lỗi sai của mình trong quá trình khởi nghiệp. Mong rằng những gì mà 2 diễn giả chia sẻ sẽ trở thành hành trang cần thiết cho những nhà khởi nghiệp tương lai, rút ra được nhiều bài học cho bản thân hơn.