Quỹ đổi mới sáng tạo hoạt động với vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, được sử dụng cho hoạt động cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn hay triển khai đầy đủ các chức năng tài trợ và hỗ trợ tín dụng từ năm 2022 cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
|
“Khơi thông” nguồn vốn cho startup. Ảnh minh họa: Internet |
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang lấy ý kiến vào dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập năm 2011 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu góp phần nâng cao trình độ công nghệ nói riêng và năng lực công nghệ nói chung của các doanh nghiệp. Sau gần 3 năm hoạt động, tính đến 2018, Quỹ đã tiếp nhận gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ, dự án đổi mới công nghệ; phê duyệt 79 nhiệm vụ và ký hợp đồng tài trợ cho 27 nhiệm vụ với tổng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp là 782,5 tỷ đồng.
Dù vậy, theo nhận định của Bộ KH&CN, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tiếp xúc và nhận được đầu tư từ Quỹ.
Cụ thể, Bộ KH&CN cho biết: Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong tìm kiếm, tiếp cận công nghệ mới, ít kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư đổi mới công nghệ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp; Trên 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam năng lực quản trị còn yếu hoặc chưa có khả năng để đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ, khai thác công nghệ mới…
Trong khi đó, hoạt động tài trợ vốn cũng như hiệu quả sử dụng vốn của Quỹ lại bị hạn chế nhiều do quy định của Luật Ngân sách.
Trong bối cảnh mới, khi công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là đột phá chiến lược thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, là nhân tố đầu vào quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bộ KH&CN xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động mới cho phù hợp với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và cải tiến công nghệ; từ đó, giúp hình thành một lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đủ năng lực tạo ra ngày càng nhiều của cải, vật chất.
Trong dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động mới, Quỹ được bổ sung thêm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Quỹ này sẽ hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn) và hỗ trợ vốn (bao gồm tài trợ một phần hoặc tài trợ toàn bộ cho vốn đầu tư thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hội đồng khoa học và công nghệ được thành lập để tư vấn cho Quỹ về việc xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm của Quỹ; Tư vấn xét chọn nhiệm vụ, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ, dự án.
Quỹ đổi mới sáng tạo hoạt động với vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, được sử dụng cho hoạt động cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, phải được bảo đảm an toàn; Các nguồn vốn khác có thể được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn, hoạt động bộ máy và các chi khác;
Dự kiến từ năm 2022, Quỹ triển khai đầy đủ các chức năng tài trợ và hỗ trợ tín dụng; hoạt động hỗ trợ tín dụng bắt đầu phát sinh nguồn thu; lấy nguồn thu lãi tiền vốn cho vay và các nguồn thu hợp pháp khác của Quỹ để từng bước bù đắp chi phí và tiến tới tự đảm bảo phần kinh phí hoạt động hỗ trợ tín dụng.