Nếu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì nhân sự chính là “sinh khí” của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, quản lý nhân sự đóng vai trò rất quan trọng, tác động lớn tới sự thành công hay thất bại của bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào.
Sau những phản hồi tích cực từ livestream số đầu tiên (diễn ra ngày 2/10/2021) nằm trong chuỗi sự kiện 844 livestream 2021 – đề án của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam bền vững, BTC chương trình đã lên sóng livestream số thứ 2 vào ngày 8/10/2021 với chủ đề “Kinh nghiệm quản lý nhân sự hiệu quả cho các startup”. Tham dự số thứ 2 có diễn giả – bà Nguyễn Phương Lê – Founder/CEO của chuỗi nhà hàng-cafe Maison De’licat và ông Trần Xuân Đức – CEO Công ty TNHH RELIPA.
Bà Nguyễn Phương Lê (ở giữa) và ông Trần Xuân Đức (bên trái)
Với chủ đề hot này, nhiều vấn đề đã được đưa bàn luận như vai trò của quản lý nhân sự trong doanh nghiệp; chiến lược quản lý nhân sự dành cho các startup; cách quản lý nhân sự từ xa, giữ tinh thần đoàn kết trong đội nhóm, gắn kết nhân sự khi làm việc online hay phương án giải quyết khi hệ thống nhân viên xảy ra tranh cãi, bất đồng… Với những kinh nghiệm, phương pháp quản lý nhân sự đã và đang áp dụng tại chính doanh nghiệp mình, hai khách mời không chỉ giúp các startup có cái nhìn tổng quan nhất về quản lý nhân sự mà còn nêu ra những khó khăn khi quản lý nhân sự và kèm theo đó là phương án giải quyết những vấn đề trong nội bộ công ty.
Yếu tố nào quan trọng khi tuyển dụng nhân sự?
Trước câu hỏi này, ông Trần Xuân Đức cho biết những tiêu chí quan trọng hàng đầu với ông là điểm chung của nhân sự với giá trị cốt lõi với công ty, năng lượng tích cực, phù hợp với tổ chức và thái độ tốt. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao những nhân sự có sự cầu tiến, luôn cố gắng trong công việc để nâng cao năng lực từng ngày.
Đồng quan điểm, Phương Lê cho biết 4 tiêu chí mà bà quan tâm khi tuyển dụng, khai thác tiềm năng của nhân sự là: sự phù hợp với môi trường doanh nghiệp, sự phù hợp với vị trí làm việc, thái độ làm việc và năng lực của nhân sự. Trong đó, bà Lê coi trọng nhất là thái độ làm việc, coi đây là yếu tố quyết định có hay không tuyển dụng nhân sự đó. Theo bà Lê, muốn xác định sự phù hợp của một nhân sự với doanh nghiệp, ngay trong quá trình phỏng vấn, người tuyển dụng cần nêu ra văn hóa doanh nghiệp để tham chiếu với nhân sự, xem họ có thể đáp ứng được hay không.
Bà Phương Lê cũng chia sẻ thêm trước khi có kế hoạch tuyển dụng, doanh nghiệp cần vẽ ra được mô hình hoạt động chi tiết của công ty và hiểu rõ nguồn lực hiện có (vốn, số lượng nhân sự). Với các doanh nghiệp startup, điều quan trọng là phải biết lợi thế cũng như hạn chế của chính mình để từ đó tìm kiếm, bổ sung nhân sự cho các vị trí mà doanh nghiệp còn đang thiếu sót.
Doanh nghiệp thu hút nhân tài bằng cách nào?
Trong buổi livestream, việc làm thế nào để thu hút nhân sự tài năng cho doanh nghiệp cũng được bàn luận sôi nổi. Theo các diễn giả, môi trường làm việc thoải mái, cởi mở, khuyến khích sự học hỏi để nhân sự thể hiện năng lực tối đa của họ chính là điều kiện cần để thu hút người tài, bên cạnh chế độ lương thưởng. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự phù hợp về tầm nhìn, phương hướng phát triển giữa người lao động và doanh nghiệp. Đó mới là sợi dây gắn kết lâu dài nhất, bền vững nhất.
Cụ thể, bà Phương Lê cho rằng muốn thu hút nhân tài, doanh nghiệp cần hiểu mong muốn của mỗi nhân sự. Bởi mỗi người lao động khi đi làm đều có những mục tiêu riêng. Đó có thể là thu nhập, là môi trường làm việc tốt hay kinh nghiệm, cơ hội để phát triển bản thân… Vì thế, ngoài lương thưởng hấp dẫn, doanh nghiệp phải biết nhu cầu của nhân sự là gì và công ty có thể đáp ứng nhu cầu của họ được không, từ đó cân bằng giữa nhu cầu của hai bên.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Đức, rất khó để các startup có thể thu hút được nhân tài, nhân sự kinh nghiệm dày dạn bởi đa số những người này đều có được vị thế nhất định trong các doanh nghiệp lớn. Ông cho rằng điều quan trọng là doanh nghiệp cần tạo được sân chơi cho mọi người. Lý do là bởi những người giỏi thực sự thường muốn thách thức bản thân với những bài toán khó để thể hiện năng lực của mình cũng như thử sức với những kinh nghiệm mới. Họ không cần một người cầm tay chỉ việc hay những công việc quá dễ dàng. Bên cạnh việc nghĩ ra bài toán đủ tầm với nhân tài, đội ngũ Founder còn phải đặt cược một “cuộc chơi lớn”, quy mô phát triển đủ rộng để nhân tài có thể phát triển tối đa năng lực.
Mặt khác, ông Đức cũng bày tỏ rằng chính bản thân doanh nghiệp cũng có thể tạo ra nhân tài. Lấy ví dụ thực tế từ doanh nghiệp mình, ông Đức cho hay công ty ông thường xuyên tổ chức các khóa học, khóa đào tạo để phát triển các kỹ năng và năng lực chuyên môn cho nhân sự. Theo ông, đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp startup nên chú trọng bởi nếu không đầu tư, quan tâm tới đào tạo nhân sự thì lâu dài, nhân sự mất dần động lực phấn đấu.
Quản lý nhân sự không chỉ là khai thác và sử dụng tối ưu năng lực nhân sự mà còn phải tạo ra môi trường để mỗi cá nhân có thể học tập, nâng cao kỹ năng từng ngày. Quản trị nhân sự hiệu quả là tiền đề đảm bảo cho sự phát triển của công ty, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của công ty. Do đó, việc xây dựng những hệ thống, quy trình quản lý nhân sự hiệu quả cần được chú trọng, ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, nhà quản trị cũng phải luôn luôn nỗ lực, trau dồi các kiến thức và kỹ năng quản lý nhân viên qua sách báo, kinh nghiệm thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.